Thủy năng

Thursday, December 15, 2005

Sản xuất điện bằng nước biển trộn nước sông -

Sản xuất điện bằng nước biển trộn nước sông -

Nước sẽ là than của tương lai, tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng người Pháp Jules Verne đã dự đoán như thế vào năm 1874. Hơn 100 năm sau đó, các nhà khoa học Hà Lan và Na Uy tin rằng họ có thể biến giấc mơ của Verne thành hiện thực.

Thiết bị sản xuất điện bằng cách trộn nước ngọt và nước mặn do Hà Lan chế tạo

Hợp tác với công ty Statkraft, Trung tâm công nghệ nước bền vững Hà Lan (Vetsus) và tổ chức nghiên cứu độc lập của Na Uy đã sáng chế các thiết bị sản xuất điện năng bằng cách trộn nước biển với nước sông.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị được dựa trên một tiến trình tự nhiên: khi nước sông đổ vào đại dương, một lượng lớn năng lượng được giải phóng do sự khác biệt về hàm lượng muối trong nước.

Thiết bị sẽ thu năng lượng đó, và do vậy con người sẽ có nhiên liệu theo một cách bền vững, không phát thải khí nhà kính. Philippe Schild thuộc Uỷ ban châu Âu cho biết: ''Có tiềm năng lớn đối với cách sản xuất điện mới này tại châu Âu. Nó có thể giúp chúng ta tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh trong cơ cấu năng lượng ''.

Hai dự án nói trên sử dụng các phương pháp khác nhau để sản xuất điện: thẩm tách ngược bằng điện (Hà Lan) và thẩm thấu (Na Uy). Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều sử dụng màng mỏng làm bằng vật liệu đặc biệt. Hà Lan vẫn chưa xây dựng nhà máy thử nghiệm. Còn Na Uy đã lắp đặt hai nhà máy cỡ nhỏ.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị do Na Uy chế tạo là nước ngọt và nước mặt được dẫn vào một khoang chứa màng mỏng Nước ngọt được vận chuyển qua màng rồi hoà trộn với nước biển điều áp. Sau đó hỗn hợp nước biển và nước ngọt điều áp chảy ra khỏi khoang, tới một tuabin sản xuất điện. Có thể xây dựng các nhà máy điện kiểu này ở những nơi nước ngọt và mặn gặp nhau.

Trở ngại chính của công nghệ nói trên là giá thành điện năng cao hơn nhiều lần so với năng lượng gió hoặc mặt trời. Các nhà khoa học tin rằng phải mất ít nhất 5 năm nữa mới tạo ra những loại màng rẻ tiền hơn, thử nghiệm chúng rồi đưa dự án ra thực tế. Lúc đó, công nghệ này có thể cạnh tranh với các loại công nghệ năng lượng tái sinh khác.

Một số người nghi ngờ về kỹ thuật mới này. Tuy nhiên, theo Frank Neumann thuộc Chương trình năng lượng biển của Cơ quan năng lượng quốc tế, khi tuốc bin năng lượng gió đầu tiên được lắp đặt tại Đức vào năm 1985, nhiều người trong ngành năng lượng đã cười nhạo. Dự án đó thất bại và mất hàng triệu đôla. Giờ thì năng lượng gió đang được phát triển rất nhanh.

Minh Sơn VNN

Sáng chế máy bơm chạy bằng sức ... nước!

Sáng chế máy bơm chạy bằng sức ... nước!

Sáng chế máy bơm chạy bằng sức ... nước!

[15/12/2005]

Việc con người sử dụng sức nước để sản sinh ra nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất đã trở thành phổ biến. Nhưng với thày giáo Trần Đình Huân, người đã dùng dòng nước thay cho nhiên liệu để bơm nước lên đồi cao, thì quả là một ý tưởng táo bạo.

Vào một ngày đầu tháng 2/2003, khi đang đứng cạnh chiếc máy thủy điện nhỏ do Trung Quốc sản xuất bên dòng suối, thày Huân (hiện công tác tại sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum) đã nảy sinh ý nghĩ: Sao mình không chế ra một chiếc máy bơm chạy bằng sức nước để giảm chi phí cho việc tưới cà phê, khi chỉ cần thêm một chiếc buli và một dây đai?

Nghĩ là làm, kể từ hôm đó thày bắt tay vào việc. Đầu tiên, để có đủ thông số kỹ thuật dành cho việc gia công và sản xuất, thày đã về tận TP HCM để mua tài liệu giảng dạy về thuỷ năng. Mặt khác, cứ mỗi khi rảnh rỗi thày lại truy cập Internet để thu thập thêm tư liệu.

Từ ý tưởng, rồi nghiên cứu thành hình hài chiếc máy đã khó, để chế tạo được ra chiếc máy từ bản vẽ theo thiết kế lại càng khó khăn hơn. Cầm bản vẽ trên tay để đem đi gia công sản phẩm, mọi người đều chẳng tin thày sẽ thành công. Cũng may, thày Huân được một người thợ cơ khí là học trò cũ giúp đỡ. Sau hơn một tuần tháo ra, lắp vào, gọt giũa, tiện mài... chiếc máy bơm của thày đã hoàn chỉnh.

Vui mừng đến quên cả bữa cơm, thày cho chở ngay chiếc máy vào rẫy và lắp thử. Một dòng nước như vòi rồng phun ra trên cả chục mét khiến thày và đám thanh niên giúp việc cùng reo vang. Hôm đó là ngày 20/10/2005.

Theo tính toán của thày Huân, chiếc máy chạy bằng sức nước này đặt ở độ cao chênh lệch của thác nước là 2 m, với ống hút vào có đường kính 30 cm (sử dụng đầu bơm cơ khí Văn Thể VT5), bơm nước đi xa 500 m trong ống dẫn đường kính 5 cm và bơm lên độ cao trên 20 m. Với những chỉ số trên, một ngày đêm bơm được 400 m3 để phục vụ tưới tiêu (tương đương máy bơm dầu diezen công suất 22 mã lực). Ngày trước, để tưới được 1 ha cà phê, gia đình thày đã tốn 70-80 lít nhiên liệu, với chi phí gần 600.000 đồng. Trong khi Tây Nguyên là vùng trọng điểm của cà phê, hồ tiêu và dày đặc hệ thống sông suối có độ dốc tương đối lớn, rất thích hợp cho việc dùng loại máy bơm này.

Để sở hữu được chiếc máy bơm chạy bằng sức nước, mỗi gia đình chỉ cần bỏ ra 1,5 triệu đồng. Trọng lượng của máy chỉ khoảng 35 kg, cấu tạo đơn giản, dễ vận chuyển và sửa chữa.

Sau khi công trình của thày Huân thành công và đưa vào sử dụng, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như Sở Công nghiệp Kon Tum đã cử người đến kiểm tra. Anh Lê Tùng, cán bộ phòng Quản lý thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Kon Tum, cho biết: "Cơ quan đang hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận giải pháp hữu ích với đề tài của thày giáo Trần Đình Huân".

(Theo VNExpress)