Thủy năng

Friday, May 27, 2005

Năng lượng thủy triều


Khai thác thủy triều để sản xuất điện năng

Công ty SMD Hydrovision tại Anh vừa sáng chế một hệ thống điện thuỷ triều đơn giản, tương đối dễ lắp đặt và có ít tác động tới môi trường. Thiết bị có thể sớm được bổ sung vào danh sách các nguồn năng lượng tái sinh và mang ánh sáng tới các vùng ven biển xa xôi.


Turbine thuỷ triều được neo bằng xích.

Hệ thống mang tên TidEl, sử dụng các tuốc-bin thuỷ triều nổi, được neo vào đáy biển bằng xích. Mỗi TidEl có hai tuốc-bin kép, tạo ra một chiếc cối xay dưới nước. Những chiếc ''cối xay'' này dập dềnh cùng với thuỷ triều. Do vậy, chúng chỉ theo hướng tốt nhất để lấy năng lượng từ các lưỡi quay tròn. Ian Griffiths, giám đốc kinh doanh, cho biết: Hệ thống sản xuất điện năng này thô kệch song đơn giản. SMD Hydrovision đã thử nghiệm mô hình TidEl có kích cỡ bằng 1/10 so với thực tế bằng cách nhúng nó vào một bồn nước khổng lồ tại Trung tâm Năng lượng tái sinh và Năng lượng mới ở Northumberland.



Tuốc-bin thuỷ triều.

Kết quả cho thấy các tuốc-bin kích thước lớn có thể tạo ra khoảng 1 megawatt điện năng. Các nhà sáng chế hy vọng triển khai một hệ thống quy mô lớn, có các lưỡi quay dài 15m tại Trung tâm Năng lượng biển châu Âu ở Orkney vào năm tới. Khai thác năng lượng từ thuỷ triều có một số lợi thế so với các dạng năng lượng tái sinh khác. Theo Tim Green, kỹ sư điện tại Đại học Hoàng gia London, có thể dự đoán dạng năng lượng này dễ dàng hơn so với gió và không cần nhiều diện tích.

Cho tới nay, tốc độ phát triển điện thuỷ triều vẫn rất chậm chạp. Phần lớn các nhà máy điện thuỷ triều phụ thuộc vào những con đập khổng lồ chắn ngang các cửa sông, như nhà máy điện thuỷ triều La Rance gần St Malo, Pháp. Lo ngại về mỹ quan và tác động của những đập chắn này đối với môi trường đã ngăn cản kế hoạch lắp đặt một hệ thống tương tự ở cửa sông Severn, gần Bristol (Anh). Theo Griffiths, hệ thống TidEl ít có tác động tới môi trường và không làm mất mỹ quan. Điều đó sẽ khiến các nhà chức trách dễ dàng chấp nhận nó.




Đập thuỷ triều La Rance.

Các nhóm nghiên cứu khác đang thử nghiệm ý tưởng gắn các tuốc-bin dưới nước này trên những chiếc cột được chôn dưới nước. Tuy nhiên, vấn đề họ gặp phải là các cột đó phải được thiết kế để chịu được tải trọng lớn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và chi phí sẽ tăng lên do các cột phải nằm ở độ sâu lớn hơn. Sử dụng xích thay vì cột có thể giúp giảm chi phí này. Thật khó để dự đoán giá thành của điện thuỷ triều, song nhóm nghiên cứu cho biết có thể so sánh nó với năng lượng gió. Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển nên cũng có nhiều tiềm năng sản xuất điện thuỷ triều.

Phương pháp sản xuất điện thuỷ triều


Đập chắn thuỷ triều.

Sản xuất điện từ thuỷ triều rất giống sản xuất thuỷ điện, ngoại trừ nước có thể chảy theo hai hướng và phải tính tới sự phát triển của các máy phát. Hệ thống sản xuất đơn giản nhất (gọi là hệ thống thuỷ triều xuống) liên quan tới một chiếc đập chắn ngang cửa sông. Khi thuỷ triều lên, các cửa cống trên đập được kéo lên, cho phép vùng lưu vực bên trong đập đầy nước. Khi thuỷ triều bắt đầu xuống, các cửa cống được đóng lại, buộc nước bên trong đập thoát ra ngoài biển qua hệ thống tuốc-bin gắn ở bên dưới cửa đập. Các hệ thống điện thuỷ triều tạo điện năng từ thủy triều lên hoặc thuỷ triều lên và xuống cũng được thiết kế song không phổ biến bằng hệ thống thuỷ triều xuống.

Một phương pháp khai thác năng lượng thuỷ triều để sản xuất điện là hàng rào thuỷ triều. Thực chất đó là những bức tường bê tông rỗng có gắn các tuốc-bin khổng lồ, chắn ngang một eo biển, buộc dòng nước phải đi qua chúng. Không giống như các nhà máy điện thuỷ triều nêu trên, hàng rào thuỷ triều có thể được sử dụng trong các lưu vực không giới hạn, như eo biển giữa đất liền và một hòn đảo gần kề hoặc giữa hai hòn đảo.


Hàng rào thuỷ triều.

Được thiết kế ngay sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970, song mãi cho tới cách đây năm năm, tuốc-bin thuỷ triều mới trở thành hiện thực. Giống như tuốc-bin gió, tuốc-bin thuỷ triều có nhiều lợi thế hơn so với hệ thống đập chắn và hàng rào thuỷ triều, đặc biệt là giảm tác động về môi trường. Tuốc-bin thuỷ triều sử dụng các dòng thuỷ triều đang di chuyển với tốc độ 2-3m/giây (4-6 hải lý) để tạo ra 4-13kW điện/m2. Các dòng thuỷ triều di chuyển nhanh (>3m/giây) có thể gây ứng suất quá mức đối với các cánh quay giống như gió mạnh có thể làm hỏng các máy tuốc-bin gió. Trong khi đó, các dòng thuỷ triều có tốc độ thấp lại không kinh tế. Cột được đóng xuống đáy biển và được gắn các tuốc-bin thuỷ triều. Tuốc-bin thuỷ triều luôn thấp hơn so với mực nước biển.

Tác động của điện thuỷ triều



Tuốc-bin thuỷ triều (trái).

Sản xuất điện thuỷ triều có nhiều lợi thế, chẳng hạn giúp cải thiện giao thông (các đập chắn có thể làm cầu nối qua cửa sông) và không tạo ra khí thải nhà kính. Tuy nhiên, một số tác động về môi trường đã làm cho điện thuỷ triều trở nên ít hấp dẫn. Tác động thứ nhất là nó làm thay đổi thuỷ triều. Việc xây dựng một đập chắn thuỷ triều tại cửa sông sẽ làm thay đổi mức thuỷ triều ở lưu vực cửa sông. Sự thay đổi này khó có thể dự đoán, làm cho mức thuỷ triều tăng hoặc giảm. Thuỷ triều thay đổi tác động rõ nét tới quá trình lắng đọng trầm tích và độ đục của nước tại lưu vực cửa sông.

Ngoài ra, hoạt động hoa tiêu và giải trí có thể bị ảnh hưởng bởi độ sâu của biển thay đổi. Độ sâu của biển thay đổi là do sự gia tăng trầm tích ở lưu vực cửa sông. Mức thuỷ triều tăng có thể gây ngập lụt các bờ biển, tác động xấu tới chuỗi thức ăn biển. Về tiềm năng, bất lợi lớn nhất của điện thuỷ triều là tác động của nó đối với động, thực vật sống trong vùng cửa sông. Do số lượng đập thuỷ triều chưa nhiều nêu giới khoa học chưa hiểu rõ về tác động đầy đủ của chúng tới môi trường địa phương.

Minh Sơn (tổng hợp)




Các tua-bin chuẩn bị được lắp đặt dưới lòng sông.

Công ty Năng lượng Verdant Power (Mỹ ) dự định lắp sáu tua-bin điện trên sông East ở New York trong tháng 9 tới. Nếu dự án trị giá 4,5 triệu USD này thành công, New York sẽ có cánh đồng tua-bin thuỷ triều đầu tiên trên thế giới để sản xuất điện xanh - năng lượng tái sinh.


Kế hoạch của Verdant Power là gắn các cỗ máy giống như những tua-bin gió tí hon vào cột bê tông. Những cột này được đóng xuống đáy sông, cách mặt nước 9m. Khi triều lên và rút đi, các cánh tua-bin sẽ quay để sản xuất điện. Đây là một dự án khiêm tốn bởi sáu tua-bin trên sẽ chỉ tạo ra tối đa 200 kilowatt điện, đủ để cung cấp cho chừng 200 ngôi nhà. Ban đầu, điện sẽ được sử dụng để thắp sáng một số bóng đèn và chạy máy tại một siêu thị địa phương cũng như bãi đỗ xe.

Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, chủ tịch công ty Trey Taylor hy vọng sẽ lắp đặt thêm 200-300 tua-bin dọc con sông. Trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Manhattan là một trong nhiều tổ chức muốn sử dụng nguồn năng lượng xanh do dự án này tạo ra. Công ty của Taylor chọn New York là địa điểm thử nghiệm bởi thành phố này tiêu thụ rất nhiều điện và do bang New York có chính sách khuyến khích chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái sinh. Ông hy vọng một ngày nào đó, tua-bin thuỷ triều sẽ được sử dụng trên toàn nước Mỹ và tại các nước đang phát triển, bởi ''tiềm năng của chúng là rất lớn''.

Có rất ít nỗ lực chinh phục điện thuỷ triều, đặc biệt là khi so sánh với năng lượng gió, mặt trời hoặc địa nhiệt. Tuy nhiên, các động thái cắt giảm khí thải nhà kính từ nhà máy điện đang làm mọi người quan tâm tới công nghệ này trên khắp thế giới. Dự án điện thuỷ triều lớn nhất là một đập chắn khổng lồ vắt qua sông ở La Rance, Pháp với công suất 240 megawatt. Những đập nước như vậy hoạt động giống đập thuỷ điện, giữ nước để chạy máy phát. Tuy nhiên, chi phí xây dựng rất cao và có thể huỷ diệt hệ sinh thái của sông.

Dự án điện ở New York báo hiệu một xu hướng sử dụng các tua-bin rẻ tiền hơn, được thả vào các đại dương hoặc cửa sông. Các tua-bin thuỷ triều thử nghiệm đầu tiên đã được lắp đặt trong năm ngoái: một tua-bin 300 kilowatt nằm ở ngoài khơi bờ biển Devon của Anh và một tua-bin khác có công suất tương tự ở Hammerfest (Na Uy). Hai công ty của châu Âu dự định mở rộng chúng thành các cánh đồng tua-bin dưới nước.

Taylor tin rằng ông có một lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác bởi thiết kế tua-bin của Verdant Power giúp lưỡi liên tục quay ngay cả khi tốc độ nước chậm hơn. Nhóm của ông đã thử nghiệm một loại tua-bin nguyên mẫu, nhỏ hơn vào năm 2003. Tuy nhiên, Peter Fraenkel, giám đốc kỹ thuật của Công ty Marine Current Turbines mà chế tạo tua-bin ở Devon, cho rằng Verdant sẽ gặp khó khăn khi lắp đặt và không thể sản xuất điện với giá cạnh tranh do kích thước tua-bin quá nhỏ. Công ty của Fraenkel đang chế tạo các tua-bin 1 megawatt để giảm chi phí và hy vọng có một cánh đồng như vậy dưới nước vào năm 2007.

Các công ty sản xuất điện khác sẽ theo dõi dự án ở New York để đánh giá liệu điện thuỷ triều có là một lĩnh vực đáng đầu tư hay không.

Minh Sơn (Theo Nature)

Các đập ngăn nước mới đang đe dọa những con sông lớn của thế giới

Cái Chết của Một Dòng Sông

Sông Cửu Long và các Khai Thác Thượng Nguồn của Trung Hoa

Trần Tiễn Khanh (2/2003)

Người Việt thường gọi sông Mekong là sông Cửu Long vì như chín con rồng sông chảy qua chín cửa biển. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Cửu Long là con sông dài thứ 12 trên thế giới, chảy dài trên 4500 km, qua sáu quốc gia Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đúng như tên của dòng sông (Mekong có nghỉa là Sông Mẹ theo ngôn ngử Lào), sông Cửu Long là nguồn sống của hơn 60 triệu người ở các quốc gia hạ nguồn như Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Phần đông họ là những người nghèo khổ sống nhờ vào tôm cá từ dòng sông. Họ còn dùng nước và phù sa để trồng lúa cũng như dùng sông làm phương tiện giao thông chính. Trong vòng hai thập niên tới, số cư dân này sẽ tăng đến hơn 100 triệu. Đời sống của họ bị đe dọa thường xuyên bởi bão lụt, nạn phá rừng, nạn ô nhiễm cũng như những khai thác thiếu suy xét. Nhưng thảm họa lớn nhất đang chờ họ là các đập thủy điện của Trung Hoa ở vùng Vân Nam. Ngoài ra Trung Hoa còn đang xúc tiến việc mở rộng dòng sông ở thượng nguồn để các tàu bè lớn có thể đi lại dể dàng. Chương trình phát triễn này của Trung Hoa sẽ đem đến những tai hại to tát về môi sinh cũng như kinh tế ở các nước thuộc lưu vực sông Cửu Long, nhất là Campuchia và Việt Nam. Khi thực hiện các khai thác, Trung Hoa đã không tôn trọng quyền lợi của các nước này. Đây là một cơ nguy có thể dẫn đến tranh chấp và khủng hoảng chính trị cũng như chiến tranh trong một tương lai gần đây. Ngay chính sự sống còn của sông Cửu Long cũng sẽ bị đe dọa trong vài thập niên tới. Sau khi xem xét các dự án của Trung Hoa, các chuyên gia về thủy sản thuộc Smithsonian Institute ở Washington, DC, Hoa Kỳ đã báo động các loài tôm cá sông Cửu Long sẽ bị tuyệt chủng. Các chuyên gia này cũng tiên đoán rằng sông Cửu Long sẽ chết như sông Dương Tử và các dòng sông lớn khác ở Trung Hoa vì các khai thác bừa bãi và nạn ô nhiễm.Trong thập niên vừa qua, Trung Hoa đã xúc tiến xây cất các đập thủy điện ở Vân Nam thuộc thượng nguồn sông Cửu Long. Đập Manwan đã được xây xong vào năm 1993 với năng xuất 1500 MW điện. Đập Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn) được hoàn thành vào tháng 12 năm 2002 vừa qua. Đập này có năng xuất 1350 MW, cao bằng một cao ốc 30 tầng và có một hồ chứa nước dài 88 km. Trung Hoa cũng đã bắt đầu xây đập Xiaowan vào tháng Giêng 2003 với năng xuất 4200 MW điện và môt hồ chứa nước dài 169 km. Phí tổn xây đập Xiaowan lên đến 4 tỷ USD. Khi được hoàn tất vào năm 2013, đập Xiaowan sẽ là đập cao nhất thế giới, với chiều cao 300 m tương đương với một cao ốc 100 tầng. Ngoài ra Trung Hoa còn dự trù xây thêm ít nhất là năm cái đập khác. Tất cã các đập này nhằm cung cấp điện lực cho tỉnh Vân Nam, một vùng tương đối nghèo khó mà Trung Hoa đang cố gắng phát triễn.

Trung Hoa cũng đang xúc tiến việc mở rộng dòng sông để các thương thuyền lớn có thể đi lại dể dàng. Đáy sông ở vùng Vân Nam đã được nạo vét. Các đá ngầm và ghền thác trên khúc sông dài 300 km từ biên giới Trung Hoa-Miến Điện đến Lào đã bắt đầu đươc phá huỷ. Khi hoàn tất, thương thuyền nặng hơn 100 tấn có thể đi từ cảng Simao ở Vân Nam đến các thương cảng ở các quốc gia lân cận.Trung Hoa tuyên bố rằng các khai thác về thủy điện và giao thông nói trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước ở hạ nguồn. Các nhà chức trách Trung Hoa cũng nói các tai hại về môi sinh và môi trường chỉ ở mức độ thấp. Các đập sẽ giảm bớt lũ lụt vào mùa mưa và nạn thiếu nước vào mùa khô. Mở rộng dòng sông sẽ tăng thêm giao thương giữa Trung Hoa và các nước láng giềng, mang lại thịnh vượng cho toàn vùng.

Các chương trình khai thác của Trung Hoa thường xảy ra trong vòng bí mật và rất ít chi tiết được công bố. Trung Hoa còn che dấu các hậu quả xấu về môi trường. Gần đây một cuộc khảo sát các hậu quả môi trường của chương trình mở rộng dòng sông Cửu Long đã bị Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission) chỉ trích là thiếu sót và sai lầm. Ủy Hội này gồm có bốn nước ở hạ nguồn, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hai nước thượng nguồn, Trung Hoa và Miến Điện, đã từ chối tham gia chính thức nhưng vẫn tham dự với tư cách quan sát viên.Trái với các khẳng định trên của Trung Hoa, các đập thủy điện sẽ gây nhiều thãm họa môi trường và kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người ở các nước hạ nguồn. Hàng năm, lũ lụt thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 10 và làm thiệt mạng hàng trăm người. Đa số các nạn nhân là trẻ con bị chết đuối vì thiếu chăm sóc của người lớn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các đập ở Vân Nam đã gia tăng cường độ lũ lụt năm 2002 vừa qua. Vì các hồ chứa nước đã đầy quá mức, các đập này đã tháo bớt nước và làm tăng thêm mực nước sông Cửu Long khi sông đã tràn bờ. Số người chết và thiệt hại mùa màng và nhà cửa vì lũ lụt đã gia tăng ở Campuchia, Thái Lan và các nơi khác. Về mùa khô, mực nước sông Cửu Long xuống thấp vì nguồn nước chỉ còn lại các thác băng ở Tây Tạng và Vân Nam. Lưu luợng trung bình giảm từ 50000 m3/s trong mùa mưa xuống còn 2000 m3/s trong mùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5. Nếu các đập ở thượng nguồn không chịu tháo nước vì hạn hán hay các hồ ở các đập đang thiếu nước thì hậu quả sẽ vô cùng trầm trọng ở các vùng hạ nguồn. Các vùng này sẽ bị nhiễm mặn và ruộng đồng nhiều nơi sẽ bị phế bỏ vì nước mặn hay thiếu nước để trồng trọt.

Ngoài việc thay đổi mực nước và chu kỳ tự nhiên của sông Cửu Long, các hồ chứa nước ở các đập sẽ giử lại phù sa. Thiếu nước và phù sa sẽ làm ruộng đồng ở hạ nguồn khô cằn và bớt phì nhiêu. Mức độ sản xuất lúa gạo sẽ suy giãm nhiều, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Lượng phù sa ở miền Nam Việt Nam có thể giảm đến 50% vì các đập thủy điện. Đây là nguy cơ có thể gây nên nạn đói kém trầm trọng vì miền Nam là kho lúa gạo chính của cả toàn quốc Việt Nam. Vào năm 1997, Trung Hoa đã khóa nước sông Cửu Long trong vòng bốn ngày để tiến hành việc xây đập và làm thiệt hại 100000 USD mỗi ngày ở Việt Nam. Trong lúc ruộng đồng ở hạ nguồn thiếu phù sa, các đập ở Vân Nam sẽ bị tràn ngập vì phù sa. Cường độ phù sa trôi vào đập Manwan đã tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu. Một trong những lý do mà Trung Hoa dùng để biện hộ việc xây đập Xiaowan là đập này ở trên đập Manwan và do đó sẽ giảm mức độ phù sa trôi vào đập Manwan. Nhưng rồi đập Xiaowan và các đập khác cũng sẽ bị ngập vì phù sa trong vài thập niên tới mà thôi. Các hồ chứa nước sẽ trở thành những bải sình lầy vĩ đại và vô dụng! Trung bình các đập này chỉ có thể hoạt động trong vòng 20 năm, so với ước tính ban đầu là 70 năm. Một khảo cứu vào tháng 11 năm 2000 của Uỷ Hội Các Đập Thế Giới (World Commission on Dams) đã kết luận rằng đa số các đập thủy điện lớn trên toàn thế giới đã không mang lại một lợi ích kinh tế nào nếu so sánh với phí tổn xây dựng, số người phải di cư và các hậu quả môi trường. Với 1245 loại cá, Sông Cửu Long là sông có nhiều tôm cá thứ nhì trên thế giới, chỉ sau sông Amazon ở Nam Mỷ. Có nhiều loại hiếm quý như cá bông lau khổng lồ nặng đến 300 kg và cá heo sống ở nước ngọt. Hàng năm có đến 1.8 triệu tấn cá đánh được ở các quốc gia hạ nguồn. Riêng Hồ Tonle Sap ở Campuchia cũng sản xuất được 400000 tấn. Các đập ở Vân Nam sẽ thay đỗi mức nước cũng như nhiệt độ và chu kỳ nước sông Cửu Long. Các thay đỗi này sẽ tác hại trầm trọng đến sinh trưởng của các loài tôm cá. Việc mở rộng dòng sông sẽ làm nước sông chảy mau hơn và soi mòn hai bên bờ. Các đá ngầm là nơi sinh sản của tôm cá cũng sẽ bị phá hủy. Có nhiều loại tôm cá sẽ bị tuyệt chủng vì không thể thích ứng với các thay đỗi trái với thiên nhiên kể trên. Ngư phủ ở nhiều nơi dọc sông Cửu Long đã than phiền lượng cá đã giảm nhiều trong vài năm qua. Đây là một hậu quả trầm trọng, có ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ của hàng chục triệu người vì tôm cá là nguồn chất đạm chính của cư dân lưu vực sông Cửu Long. Với các khai thác thủy điện và giao thông ở thượng nguồn, Trung Hoa hầu như kiễm soát hoàn toàn sông Cửu Long. Các khai thác này sẽ gây nên những thảm họa về môi sinh và kinh tế cho các quốc gia ở hạ nguồn, nhất là Campuchia và Việt Nam. Vận mạng của các quốc gia này cũng như đời sống của hơn 60 triệu cư dân sẽ nằm trong tay Trung Hoa. Đối với các chương trình khai thác của Trung Hoa, các quốc gia hạ nguồn thường có phản ứng yếu ớt vì áp lực chính trị cũng như những hứa hẹn viện trợ kinh tế. Các cơ quan quốc tế như Ủy Hội Sông Mekong (Mekong River Commission), ASEAN, Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Ngân Hàng Phát Triễn Á Châu (Asian Development Bank) cần làm áp lực với Trung Hoa để cho họ suy xét nghiêm chỉnh và khách quan các hậu quả ở các nước hạ nguồn mỗi khi có dự án khai thác nào. Riêng các ngân hàng quốc tế cũng cần xét lại các dự án phát triễn thủy điện mà họ là nguồn tài trợ, không những của Trung Hoa mà của các quốc gia khác nữa. Đa số các đập thủy điện sẽ không mang lại một lợi nhuận nào nếu so sánh với kinh phí xây cất và các hậu quả môi trường. Trung Hoa cần phải biết rằng sông Cửu Long không chỉ dành riêng cho các quốc gia thượng nguồn như Trung Hoa và Miến Điện, mà cũng thuộc về các nước hạ nguồn như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Cựu Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng tuyên bố với các nhà lảnh đạo các quốc gia hạ nguồn rằng: “Tôi ở thượng nguồn và Quý vị ở hạ nguồn. Chúng ta cùng uống nước từ một dòng sông chung. Vậy chúng ta như anh em một nhà”. Các nhà lảnh đạo Trung Hoa cần thực hành nghiêm chỉnh lời tuyên bố này để tạo thông cảm, hợp tác trên căn bản bình đẳng và tôn trọng quyền lợi của các nước khác. Có như thế mới có thể tránh những tranh chấp, những thảm hoạ kinh tế và môi truờng ở ngay Vân Nam cũng như ở các nước hạ nguồn, và nhất là tránh cho sông Cửu Long một cái chết thê thảm trong một tương lai gần đây mà thôi!


Các đập ngăn nước mới đang đe dọa những con sông lớn của thế giới
20/10/2004 21:10

Bản báo cáo của Quỹ Đời Sống Hoang Dã Quốc Tế (WWF) và Viện Tài Nguyên Thế Giới "Các Đập Nước và Tương Lai của Những Hệ Sinh Thái Nước Ngọt " cho biết hơn 60% trong số 227 con sông lớn nhất thế giới đã và đang bị chia nhỏ bởi các đập, dẫn đến sự phá hủy của những vùng đất ngập nước, sự suy giảm các loài thủy sinh bao gồm cá heo nước ngọt, cá, chim... cùng việc hàng chục triệu người bị buộc phải di dời.



People & the Planet – 28.9.2004


Các con sông đang bị đe dọa

Bản báo cáo đã chỉ rõ 21 con sông đứng đầu trong danh sách các sông đang gánh chịu những rủi ro cao nhất từ các đập nước trong quy hoạch hoặc xây dựng. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Trường Giang hiện là con sông có nguy cơ cao nhất với 46 đập lớn. Hai con sông lớn Danube và Amazon cũng nằm trong số có nguy cơ cao. Bản tường trình kết luận chính phủ các nước đã không thực hiện những khuyến cáo của Uỷ Hội Các Đập Thế Giới (World Commission on Dams - WCD). Kết quả là, những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội còn nhiều hơn những lợi ích mà đập đem lại như thủy điện, tưới tiêu, hỗ trợ kiểm soát lũ ... Ví dụ như, nước do các đập cung cấp bị thất thoát do hệ thống tưới tiêu nông nghiệp không hiệu quả. Hằng năm lượng nước lãng phí đó trên toàn cầu lên đến 1.500 tỉ tỉ lít (1,5 x 1020). Con số đó tương đương 10 lần lượng nước tiêu thụ hằng năm trên toàn lục địa Phi Châu.

Hơn nữa, việc xây dựng đập còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người. Một báo cáo mới đây của WCD cho biết có đến 40 - 80 triệu người trên toàn thế giới, trong đó 10 triệu sống trên lưu vực sông Trường Giang (Trung Quốc), phải di dời do việc xây dựng các đập nước này. Kết quả của sự thay đổi lưu lượng dòng chảy từ việc xây dựng đập cũng gây ra sự suy giảm nhanh chóng của ngành ngư nghiệp, tác động tiêu cực đến đời sống của hàng triệu ngư dân mà đối với họ, cá vừa là nguồn đạm cũng như nguồn thu nhập duy nhất.

Ảnh: Đập Tam Giáp (Three Gorges) trên sông Trường Giang sẽ buộc hơn 1.3 triệu người phải di dời và phá hủy nhiều loài thủy sinh.

Cân bằng sinh thái

Bản tường trình tóm lược những mâu thuẫn cơ bản giữa các đập nước và môi trường sinh thái xung quanh, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, hơn 2 tỉ người trên thế giới chưa được tiếp cận với điện, 1,1 tỉ người chưa được dùng nước sạch. Các đập nước cung cấp đáng kể nước ngọt cần thiết cho sinh hoạt, tưới tiêu mùa màng cũng như giảm thiểu lũ và cung cấp thủy năng cho hàng triệu người.

Dr. Ute Collier, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến về Đập của WWF nói “Tuy nhiên, những lợi ích mà chúng đem lại thường phải trả giá đắt bằng những tác động xấu đến môi trường và xã hội. Thêm vào đó, điều đáng nói là, những người dân phải chịu thiệt thòi do những nguy cơ mà đập gây ra thường lại không phải là những đối tượng được hưởng lợi từ đập. Nhiều người dân nghèo sống trên những lưu vực sông vẫn không có nước sạch hay điện để sử dụng.”

Cộng đồng dân cư vùng hạ lưu các con sông lớn này bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dòng chảy bị chặn làm nước sông cuối nguồn cạn dần và trữ lượng cá suy giảm. Do đó cân bằng sinh thái bị đảo lộn khi các con sông cạn kiệt nguồn oxy và dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự sinh sản của cá và các thủy sinh vật khác. Trung Quốc, quốc gia có nhiều đập nước đang quy hoạch và xây dựng nhất trên thế giới, có thể mất đi những loài quý hiếm như cá sấu Trung Quốc, cá heo sông Trường Giang (giống cá heo nước ngọt duy nhất trên thế giới) và nhiều loài chim nước nữa nếu như việc xây dựng bừa bãi các đập nước tiếp tục phá hủy môi trường sống của chúng.

Những dự án xây dựng đập thường tiến hành mà không cân nhắc đến các phương án thay thế khác cũng như các ảnh hưởng tiêu cực lũy tích theo thời gian lên môi trường. Ute Collier nói “Trong việc đáp ứng nhu cầu nước ngọt toàn cầu và nhu cầu năng lượng, chúng ta không được phép phá hủy chính hệ sinh thái đã mang đến nguồn cung cấp nước sạch đó”. Tổ chức WWF đang cấp thiết kiến nghị những nhà lãnh đạo và xây dựng đập xét ưu tiên cho việc sử dụng hiệu quả nguồn nước bằng cách thực thi những tiêu chuẩn quốc tế, như các quy định cho những dự án xây dựng đập của Ủy ban thế giới. Điển hình như khối Liên Minh Châu Âu, họ quy định và thực thi những điều kiện nghiêm ngặt đối với việc xây dựng đập trong các quốc gia thành viên. Tất cả những dự án mới chỉ được phép tiến hành khi không còn lựa chọn nào tốt hơn về mặt môi trường. Tuy nhiên, những điều luật tiến bộ như vậy còn rất hiếm.

Top 21 con sông trong tình trạng nguy cấp do việc xây dựng các đập nước:

Trường Giang (Trung Quốc [TQ]), La Plata (Nam Mỹ), Tigris & Euphrates (Thổ Nhĩ Kỳ [TNK], Iraq, Syria, Iran, Jordan), Salween (TQ, Thái Lan và Myanmar), Kizilirmak ( TNK), Sông Hằng (Ganges - Ấn Độ, Nepal, TQ, Bangladesh ), Tocantins (Brazil), Amazon (Brazil, Peru, Bolivia, Colombia, Ecuador, Venezuela, Guyana, Suriname, Paraguay, French Guyana), Mekong (Thái Lan, Lào, TQ, Campuchia, Việt Nam, Myanmar), Brahmaputra (TQ, Ấn Độ, Bhutan, Bangladesh), Châu Giang (Xun Jiang hay Pearl River – Việt Nam (Hà Nam), TQ), Danube (Đức, Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia & Montenegro, Romania, Bulgaria, Moldova, Ukraine ), Hoàng Hà (Huang He, TQ), Kura-Araks (Azerbaijan, Iran, Georgia, Armenia, TNK), Yesil-Kelkit, Büyük Menderes, Çoruh, Simav (4 con sông này đều thuộc TNK), Ebro (Tây Ban Nha, Andorra), Indus (Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, TQ ), Qezel Owzan (Iran).

Các link hữu dụng

- Read the full report: Rivers at Risk: Dams and the Future of Freshwater Ecosystems http://www.panda.org/downloads/freshwater/riversatriskfullreport.pdf
- Read the report summary: Rivers at Risk: Dams and the Future of Freshwater Ecosystems http://www.panda.org/downloads/freshwater/riversatriskfullreport.pdf
- The World Commission on Dams http://www.dams.org/
- WWF http://www.panda.org/
- World Resources Institute http://www.wri.org/

Thuỷ điện cũng thải nhiều khí nhà kính

Ai cũng nghĩ thuỷ điện là nguồn năng lượng sạch, có thể thay thế nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên, đập thuỷ điện lại phát thải một lượng khí nhà kính khá lớn.


Nhà nghiên cứu Philip Fearnside thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Brazil cho biết, trong một số trường hợp, đập thuỷ điện phát thải nhiều khí nhà kính hơn so với nhà máy điện dùng nhiên liệu hoá thạch. Mức phát thải ở từng đập khác nhau, song lượng khí thải ra thực sự đáng lo ngại. Fearnside ước tính, lượng khí nhà kính thải ra trong năm 1990 từ đập thuỷ điện Curua-Una ở Brazil lớn gấp 3,5 lần so với nhà máy chạy bằng dầu mỏ có cùng công suất. "Thủ phạm" là lượng cácbon rất lớn giải phóng ra khi thực vật phân huỷ trong lòng hồ thuỷ điện. Sau đó, thực vật ở đáy hồ lại tiếp tục phân huỷ trong điều kiện không có ôxy, tạo ra methane. Cuối cùng, methane được giải phóng vào khí quyển khi nước đi qua các tuốc bin của đập. Tác động của methane tới ấm hoá toàn cầu mạnh gấp 21 lần so với CO2.

Trong các vòng đàm phán sắp tới của IPCC vào năm 2006, dự thảo Chương trình tính toán lượng khí nhà kính của mỗi quốc gia sẽ tính cả lượng khí phát thải từ các hồ thuỷ điện nhân tạo. Như vậy, tổng lượng khí thải nhà kính của các quốc gia nhiệt đới phụ thuộc nhiều vào thuỷ điện có thể sẽ tăng thêm.

Minh Sơn (Theo NewScientist)

Hydroelectric power's dirty secret revealed


Trung Quốc nghiên cứu máy phát điện sử dụng năng lượng sóng biển

(11:01 31-01-2005)

Các nhà khoa học Trung Quốc đang thực hiện dự án nhà máy điện đầu tiên dùng năng lượng sóng biển, có thể cung cấp điện năng cho một làng nhỏ ven biển.

Theo ông You Yage, trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng đại dương thuộc viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu, nhóm của ông vừa hoàn thành việc thử nghiệm hệ thống năng lượng sóng biển cải tiến.


Với công nghệ tích trữ năng lượng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về việc phát triển máy phát ổn định dòng điện nhờ sóng biển.

Ông You nói, việc thử nghiệm đã đạt được thông số kỹ thuật mong đợi và chống va đập và ổn định. Máy phát điện có công suất khoảng 6 kW, tốt hơn máy phát chạy dầu diesel với công suất tương tự.

Theo nhà khoa học này, thiết bị này có thể được sử dụng cho đèn điện, máy tính, máy điều hòa và máy khử muối nước biển. Ông nói, năng lượng sóng biển là một trong những nguồn năng lượng không ổn định nhất thế giới. Các nhà khoa học Anh và Bồ Đào Nha cũng đã tìm hiểu năng lượng sóng biển, nhưng họ đã thất bại, không đạt được yêu cầu kỹ thuật.


Việc nghiên cứu này được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ qua dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cùng nguồn kinh phí nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS).

<>Theo ông You, máy phát điện nhỏ với tổng công suất 50 kW có thể sản sinh 26.300 kW/giờ mỗi năm, đủ cung cấp cho một thị trấn ven biển dưới 240 hộ gia đình.

: Nhân dân, 29/1/2005

Trung Quốc xây dựng nhà máy điện thủy triều đầu tiên

12/2/2005

TTO- Phân bộ Năng lượng Đại dương của Viện Chuyển đổi Năng lượng Quảng Châu đã phát triển hệ thống phát điện thủy triều ổn định và độc lập đầu tiên trên thế giới.

You Yage, giám đốc phân bộ nói trên cho biết hệ thống năng lượng thủy triều này sẽ kết hợp ba chức năng làm một, đó là phát điện thủy triều, sản xuất nước ngọt và tiêu thụ điện trực tiếp. Nhà máy điện thủy triều đang được xây dựng tại bản đảo Zhelang ở thành phố Shanwei, nơi bờ biển có nhiều đá, gió mạnh và sóng lớn. Nhà máy điện thủy triều này sẽ có tổng công suất 50kW, và sẽ cho phép tạo ra sản lượng tối đa 400kW.

Trước đây các nước tiên tiến trên thế giới đã phải bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ thuật điện thủy triều. Một số nước trong Liên minh Âu châu thậm chí đã dùng các máy phát điện đắt tiền, nhưng vẫn không thể tạo ra điện thủy triều ổn định và chỉ có thể truyền điện không ổn định vào mạng lưới điện mà thôi.

Q.HƯƠNG-Xinhuanet

Links on blue energy